A Level được coi là tấm vé đưa học sinh đến với các trường đại học danh tiếng và mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn trong tương lai. Vậy A Level là gì? Ai nên học A Level? Bài viết dưới đây sẽ gửi tới phụ huynh các thông tin tổng quan về chương trình Tú tài Nâng cao này.
1. A Level là gì?
Chương trình A Level (Cambridge Advanced) là chương trình Tú tài Nâng cao dành cho học sinh 16 – 19 tuổi do Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge (CAIE) – thành viên của Đại học Cambridge xây dựng.
Thông thường, học sinh sẽ bắt đầu chương trình Tú tài nâng cao A Level sau khi hoàn thành chứng chỉ Phổ thông Quốc tế Cambridge IGCSE. A Level kéo dài 2 năm, học sinh được tự lựa chọn các môn học phù hợp với định hướng, lộ trình học tập của mình/
- Năm thứ nhất (tương đương với học 11): Học sinh thường chọn 4 – 6 môn trong năm học AS Level. Cuối năm học này, học sinh có thể thi lấy chứng chỉ AS Level.
- Năm thứ 2 (Tương đương với lớp 12): Trong năm học này, các em có thể lựa chọn từ 3 – 5 môn để hoàn thành việc lấy chứng chỉ A Level.
Để tìm hiểu thêm về giá trị của chứng chỉ này, mời phụ huynh đọc tiếp phần 2 của bài viết.
2. Giá trị văn bằng của A-Level
Với hệ thống đánh giá nghiêm ngặt và chính xác, chứng chỉ A Level được công nhận bởi các trường đại học danh tiếng ở 125 quốc gia. Trong đó các quốc gia có giáo dục tiên tiến như Anh Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Canada, Singapore, Australia… đều ưu tiên các ứng viên có chứng chỉ A Level. Các em có thể học luôn chương trình Đại học mà không cần học dự bị đại học (thông thường là 1 năm). Tại một số vùng ở Bắc Mỹ, học sinh có chứng chỉ A Level còn được rút ngắn số tín chỉ tương ứng với một năm đại học.
Nhiều trường đại học uy tín trên thế giới đã đưa A Level vào điều kiện đầu vào. Ví dụ như Đại học Cambridge, Đại học Oxford (Anh); Khối trường đại học Ivy League (8 trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ); Đại học Sydney, Đại học Melbourne (Australia); Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Nanyang (Singapore), Đại học Toronto (Canada)… Bên cạnh đó, 100% các trường đại học ở Anh và hơn 850 trường đại học Mỹ công nhận giá trị văn bằng của A Level.
Tại Việt Nam, các trường đại học top đầu như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại Thương, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Quốc dân.. và một số đại học quốc tế như VinUniversity, RMIT, BUV… đều có chỉ tiêu tuyển sinh vào thẳng dành riêng cho các thí sinh sở hữu A Level.
Phụ huynh có thể tra cứu danh sách các cơ sở giáo dục công nhận A Level tại đây:
Sau khi hoàn thành chứng chỉ A Level, học sinh có thể:
- Săn học bổng và đi du học tại các trường đại học hàng đầu thế giới;
- Học tập tại các trường đại học danh tiếng tại Việt Nam;
- Học nghề theo thế mạnh và sở thích tại các môi trường quốc tế;
- Dành 1 năm trải nghiệm (gap year);
- Tham gia vào thị trường lao động với các kỹ năng như làm việc nhóm, phân tích thông tin, thuyết trình (được rèn luyện trong quá trình học A Level). Rất nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia đưa A Level vào tiêu chí tuyển dụng.
Chứng chỉ A Level có giá trị vĩnh viễn. Vì thế, đây không chỉ là tấm vé thông hành để đến với các trường đại học danh tiếng, mà còn mang đến nhiều cơ hội học tập, việc làm rộng mở cho học sinh.
3. Ai nên học A Level?
Có thể thấy, chương trình A Level mang tới nhiều lợi ích cho người học. Tuy nhiên, với khối lượng kiến thức tương đương năm nhất của một số chương trình đào tạo cử nhân, đối tượng nào nên đăng ký học A Level?
- Với các gia đình đã có định hướng rõ về mục tiêu chọn trường đại học và ngành nghề, A Level là lựa chọn lý tưởng cho các em học sinh bởi lộ trình được cá nhân hóa. Các em được lựa chọn các môn học phù hợp với sở trường, mục tiêu của mình để hỗ trợ tốt hơn cho ngành học tương lai.
- Với các bạn chưa có định hướng rõ ràng, A Level sẽ giúp các em tìm hiểu và khám phá bản thân với sự đa dạng của các môn học, có cơ hội thử nghiệm kiến thức ở nhiều chuyên ngành khác nhau. Từ đó, các em có thể hiểu hơn về thế mạnh và sở thích của bản thân. Khi lấy chứng chỉ A Level, nếu chưa quyết định ngành học, các em vẫn có thể lựa chọn dành thêm một năm trải nghiệm các công việc khác nhau.
A Level phù hợp với cả mục tiêu du học hoặc học đại học trong nước bởi giá trị bằng cấp cũng như kỹ năng mà chương trình cung cấp. Vì thế, A Level là lựa chọn tối ưu của các gia đình nếu muốn con được trải nghiệm một môi trường chuẩn Quốc tế trước khi vào đại học.
4. Học A – Level có khó không?
A Level không phải là một chương trình khó nếu như học sinh biết cách lựa chọn môn và có kế hoạch học tập phù hợp. Các em sẽ được chọn môn phù hợp với năng lực và định hướng cá nhân, các môn học mình yêu thích mà không có cảm giác bị ép buộc. Bên cạnh đó, A Level hướng đến việc đào tạo ở chiều sâu thay vì nhiều môn dàn trải, chính vì vậy, học sinh chỉ cần nắm rõ các kiến thức ở các bậc học trước thì việc học A Levels là không khó. Để đánh giá kỹ hơn về độ “khó hay dễ” của chương trình này, mời phụ huynh tham khảo thêm bài viết “Học A Level có khó không?” để hiểu rõ hơn.
5. Học A-Level có tốt không?
Không chỉ mang tới giá trị về văn bằng, A Level còn có nhiều lợi ích khác cho lộ trình học tập và phát triển của học sinh. Sau đây, Vinschool xin điểm danh 7 lợi thế của chương trình này:
- Xác định lộ trình học tập cho bậc Đại học: A Level giúp học sinh có cơ hội tìm hiểu, làm quen và xác định sớm ngành học phù hợp ở bậc Đại học.
- Trải nghiệm cơ hội học tập chuyên sâu như bậc Đại Học: Các môn học A Level được giảng dạy theo chiều sâu và đề cao khả năng tự học của học sinh. Điều này khiến môi trường học thuật của A Level có nhiều nét tương đồng với ở đại học, giúp học sinh không ngỡ ngàng khi bước vào bậc học mới.
- Rèn luyện khả năng tiếng Anh: Tiếng Anh được sử dụng trong tất cả các môn học A Level. Việc sử dụng ngôn ngữ này trong nhiều bối cảnh khác nhau giúp học sinh rèn luyện kỹ năng nghe – nói – đọc – viết một cách toàn diện.
- Có cơ hội giành được học bổng: A Level mang đến lợi thế cạnh tranh cho học sinh trong việc săn học bổng của các trường đại học danh tiếng. Với điểm số cao ở chứng chỉ quốc tế được công nhận rộng rãi, hồ sơ học bổng của bạn sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của các hội đồng xét tuyển đại học.
- Được chọn môn học theo sở thích và thế mạnh: Thay vì học các môn bắt buộc, học sinh A Level được lựa chọn môn học cho mình theo năng khiếu và định hướng nghề nghiệp. Các em cũng có thể linh hoạt thay đổi lộ trình và môn học cho phù hợp với năng lực.
6. Các môn học A-Level
A Level có tới hơn 55 môn học cho học sinh và nhà trường lựa chọn. Các môn học này được chia thành 9 nhóm nội dung chính: Tiếng Anh, Toán học, Khoa học, Ngôn ngữ, Nhân văn, Công nghệ, Khoa học xã hội, Nghệ thuật và Giáo dục đại cương.
Từ danh sách này, mỗi trường sẽ chọn các tổ hợp môn khác nhau để giảng dạy. Đây là điểm khác nhau giữa các trường cùng triển khai đào tạo A Level. Đây cũng là yếu tố phụ huynh cần cân nhắc khi chọn trường.
Để lựa chọn được môn học phù hợp,phụ huynh và các em tham khảo các cách sau:
- Lựa chọn môn học theo sở thích hoặc năng khiếu: Cách chọn này giúp các em duy trì cảm hứng học tập. Ví dụ, nếu thích vẽ, các em có thể chọn môn Nghệ thuật & Thiết kế để lấy chứng chỉ A Level.
- Lựa chọn theo ngành học tương lai: Chọn Các em học sinh có mong muốn làm việc trong khối ngành Quản trị kinh doanh nên chọn các môn Kinh tế học hoặc Kinh doanh bổ trợ cho ngành nghề tương lai.
- Không nên lựa chọn các môn có sự tương đồng về kiến thức: Nhiều trường đại học sẽ chỉ xét tuyển 1 trong các môn cùng chuyên ngành như Kinh tế học hoặc Kinh doanh. Tránh các môn quá tương đồng giúp học sinh tối ưu thời gian và trải nghiệm học tập.
Học sinh có thể chọn ít nhất 2 môn điều kiện đầu vào của các trường đại học, bao gồm: Toán, Văn học Anh, Ngôn ngữ học, Địa Lý, Lịch Sử, Lý, Hóa, Sinh và 3-4 môn bổ trợ cho ngành nghề tương lai như: Ngôn ngữ học, Truyền thông, Công nghệ thông tin, Kinh doanh, Tâm lý học… tùy vào lộ trình mà các trường cung cấp.
7. Điều kiện học A-Level
Yêu cầu đầu vào giữa các trường sẽ có các điểm khác nhau. Tuy nhiên, để tham gia chương trình học A Level, học sinh cần đáp ứng một số điều kiện phổ biến sau:
- Độ tuổi: Từ 16 tuổi và đã hoàn tất chương trình học lớp 10 THPT.
- Kết quả học tập: Tối thiểu 2 năm học gần nhất (tương đương lớp 9 và 10) có điểm trung bình tổng kết đạt 7.0 trở lên.
- Tiếng Anh: IELTS 5.5 hoặc có các chứng chỉ ngoại ngữ khác tương đương.
Bên cạnh đó, nếu có 5 điểm C trong chứng chỉ Cambridge IGCSE, học sinh cũng sẽ được học tiếp lên A Level theo lộ trình Quốc tế Cambridge.
Với các yêu cầu trên, nếu có ý định học A Level, học sinh sẽ cần bắt đầu chuẩn từ những năm học THCS hoặc đầu THPT.
8. Học A-Level ở đâu tốt?
Phụ huynh và học sinh Việt Nam khi tìm trường để học A Level thường có xu hướng phổ biến: một là du học Anh Quốc và hai là học tại các trường chuẩn Quốc tế Cambridge tại Việt Nam.
Anh quốc là “quê hương” của chương trình Quốc tế Cambridge. Vì thế, cho con du học Anh ngay từ chương trình Tú tài nâng cao là một lựa chọn tốt đối với nhiều gia đình. Tuy nhiên, ngoài việc học tập 100% bằng Tiếng Anh, các du học sinh Anh buộc phải có Tiếng Anh giao tiếp rất tốt để cso thể thích nghi với môi trường mới. Bên cạnh đó, chi phí học tập và ăn ở cao cũng là một rào cản cho các gia đình chọn học A Level tại Anh.
Ngược lại, nhiều gia đình lựa chọn đăng ký học A Level cho con tại các trường trong hội đồng các trường Cambridge Quốc tế do CAIE công nhận ngay tại Việt Nam. Với lựa chọn này, phụ huynh không chỉ tiết kiệm được chi phí sinh hoạt mà học phí cũng rẻ hơn so với du học rất nhiều mà chất lượng đào tạo vẫn đảm bảo chuẩn Quốc tế.
Tính đến tháng 4/2022, Việt Nam có tất cả 64 cơ sở giáo dục được Hội đồng khảo thí Quốc tế Cambridge (CAIE) công nhận. Trong đó, hệ thống giáo dục Vinschool là một trong những đơn vị đầu tiên đào tạo A Level ở Việt Nam với rất nhiều ưu điểm như:
- Năng lực học sinh đồng đều.
- Có cố vấn học tập riêng đồng hành cùng học sinh để xây dựng lộ trình và chiến lược học tập.
- 100% giáo viên nước ngoài có chứng chỉ giảng dạy các chương trình quốc tế.
- Cơ sở vật chất được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế của Cambridge.
- Cơ hội nhận học bổng và xét tuyển vào các trường Đại học hàng đầu với lợi thế thành viên của CIS (Council of International Schools).
9. Học phí A Level
Học phí A Level phụ thuộc vào việc phụ huynh lựa chọn cho con học ở trong nước hay du học, học tại trường quốc tế hay các trường tư thục, công lập… Với xu hướng chính là du học Anh hoặc học tại Việt Nam, phụ huynh có thể tham khảo hai mức chi phí sau:
- Nếu học trực tiếp tại các trường học ở Anh Quốc, các mức học phí khá đa dạng: từ £8000/năm – £47,000/năm (khoảng 240,000,000 VNĐ/năm đến 1,500,000,000 VNĐ/năm). Chi phí này chưa bao gồm sinh hoạt phí và các khoản phát sinh khác.
- Khi học A Level tại Việt Nam, mức học phí khoảng từ 160,000,000 VNĐ/năm đến 550,000,000 VNĐ/Năm tùy từng cơ sở.
Hiện nay, Hệ thống giáo dục Vinschool cung cấp chương trình học A Level với mức học phí chỉ từ 162,000,000 VNĐ/năm. Bên cạnh đó, Vinschool cũng có thêm các chính sách ưu đãi khi đóng theo năm kèm theo các chương trình voucher, học bổng cho học sinh của chương trình A Level.
Chi tiết hơn về chi phí khi học A Level, phụ huynh có thể tham khảo ngay bài viết Học phí A Level tại các trường Việt Nam và Anh Quốc sự khác biệt lớn của 2 môi trường trong và ngoài nước
Có thể thấy, chi phí học A Level ở Việt Nam tiết kiệm hơn ở Anh rất nhiều. Vì thế, lựa chọn học tập tại Việt Nam là một phương án tối ưu hơn khi chất lượng giáo dục đều được đảm bảo theo tiêu chuẩn của Cambridge.
10. Kỳ thi A Level
Kết thúc chương trình, CAIE sẽ tổ chức thi và cấp chứng chỉ A Level cho học sinh.
Về thời gian và đơn vị tổ chức thi:
- Tại Anh, kỳ thi A Level do Bộ Giáo dục Anh xây dựng và các tổ chức khảo thí độc lập như AQA, OCR, Edexcel… tổ chức thi và cấp bằng. Mỗi năm, các kỳ thi này được tổ chức 2 đợt: vào Tháng 5 (hoặc 6) và Tháng 11.
- Kỳ thi A Level tại Việt Nam và các quốc gia khác thường được tổ chức 2 lần/năm vào các tháng 6 và 11 do Hội đồng khảo thí Quốc tế Cambridge (CAIE) ra đề, tổ chức thi và cấp bằng. Kết quả được công bố vào các tháng 8 và tháng 1.
Về thang điểm:
A Level sử dụng thang điểm từ A* (cao nhất) đến E (thấp nhất). Mỗi môn học được chấm điểm độc lập, không có điểm trung bình nào được tính trong kỳ thi A Level. Ngoài thang điểm chữ như trên, A Level còn sử dụng hệ thống Percentage Uniform Mark (PUM). Để hiểu về cách quy đổi điểm này. phụ huynh và học sinh đọc thêm bài viết Kỳ thi A Level.
Thí sinh tự do Có thể đăng ký thi A Level không?
Câu trả lời là có. Học sinh Việt Nam có thể tự học và đăng ký thi A Level tại British Council (Hội đồng Anh) – đối tác chính thức của Hội đồng thi Cambridge Assessment International Education. Tuy nhiên,việc tự học thường không giúp học sinh đi theo một lộ trình cụ thể mà chủ yếu ôn luyện đề. Đồng thời, tự đăng ký thi A Level cũng có thể là trở ngại khiến các em học sinh bỏ lỡ các thời điểm thi phù hợp và ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả của các kỳ thi.
Vì thế, học sinh có mong muốn lấy chứng chỉ A Level nên lựa chọn các trường được CAIE ủy quyền đào tạo để được hỗ trợ kịp thời và có lộ trình rõ ràng.
A Level có những điều kiện rất rõ ràng về chất lượng đầu vào và chuẩn đầu ra. Phụ huynh có thể tìm hiểu tại phần 03 của bài viết
11. Kinh nghiệm học A-level hiệu quả
Như đã đề cập ở trên, A Level không khó nếu học sinh biết cách học hiệu quả. Sau đây là một số “tips” để dễ dàng chinh phục chứng chỉ này:
- Lựa chọn môn học phù hợp: Hãy lựa chọn môn bổ trợ cho ngành học tương lai của bạn. Nếu còn mơ hồ, học sinh có thể chọn 2 trong các môn điều kiện bao gồm Toán, Văn học Anh, Lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý.
- Lập kế hoạch học tập: Học sinh nên xây dựng một thời khóa biểu cụ thể, chia rõ khối lượng và thời gian cần hoàn thành cho mỗi môn học. Đồng thời, dành thời gian nghỉ ngơi phù hợp để tránh quá tải.
- Tự nghiên cứu, tìm hiểu thêm thông tin mới: Học sinh có thể tự đào sâu thông tin về các chủ đề được học bằng cách tìm các keyword trên website; xem phim tài liệu, chương trình truyền hình; đọc sách, báo, tạp chí…
- Nắm rõ thuật ngữ: Khi học A Level, học sinh sẽ cần làm quen với nhiều thuật ngữ chuyên ngành. Để tránh quên các thuật ngữ này, các em học sinh cần nắm nội dung chính, bối cảnh khi thuật ngữ xuất hiện; đánh dấu vị trí và tra từ điển để nắm rõ ý nghĩa.
- Luyện giải đề thi những năm trước: Trước các kỳ thi, học sinh nên tìm và giải các đề A Level của các năm trước đó. Qua đó, các em được làm quen với áp lực và các dạng bài thường gặp trong đề thi.
Với các thông tin ở trên, có thể thấy A Level là một chương trình được thiết kế kỹ lưỡng để đánh giá năng lực của học sinh trước khi bước vào bậc đại học, cao đẳng. Hy vọng các thông tin ở trên cũng phần nào giúp phụ huynh có góc nhìn tổng quan về A Level.